trang chủ tin tức Ô tô Trung Quốc và tham vọng chiếm lĩnh thị trường Việt liệu có thành?

Ô tô Trung Quốc và tham vọng chiếm lĩnh thị trường Việt liệu có thành?

Chỉ trong năm 2023, có tới hai nhà sản xuất ô tô Trung Quốc công bố việc hợp tác sản xuất với các doanh nghiệp Việt. Được biết, những hãng xe này đều có quy mô toàn cầu và đang bán chạy ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Mới đây, CTCP Tập đoàn Geleximco cùng Omoda và Jaecoo (trực thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) ký hợp đồng nguyên tắc về việc đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô tại khu công nghiệp Hưng Phú nằm trên địa bàn xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Đáng chú ý, vào cuối tháng 10, Chery trưng bày 3 mẫu xe thuộc 2 thương hiệu con Omoda và Jaecoo tại Việt Nam. Chúng bao gồm Omoda S5, Omoda C5 và Jaecoo 7.

Mẫu xe Omoda 5 xuất hiện tại Hà Nội.

Mẫu xe Omoda 5 xuất hiện tại Hà Nội.

Vào đầu năm nay, một liên doanh có nguồn gốc Trung Quốc cũng triển khai dự án sản xuất ô tô tại Việt Nam. Điển hình, liên doanh General Motors (GM) – (SAIC – WULING) đang sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền ô tô điện tại Việt Nam thông qua TMT Motors.

Ô tô điện do liên doanh của TMT Motors sản xuất.

Đồng thời, nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc BYD có kế hoạch mở rộng sản xuất và lắp ráp xe điện tại Việt Nam trong năm nay. Kèm với các doanh nghiệp sản xuất, nhiều thương hiệu ô tô Trung Quốc đang liên tiếp mở rộng thị trường ở nước ta như Haval, MG và Lynd & Co.

Động thái này cho thấy các hãng ô tô Trung Quốc tại Việt Nam đang có ý định thăm dò thị trường Việt trong thời gian sắp tới, khiến các hãng xe có thể dễ dàng tiếp cận thêm ở một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam nhờ mức ưu đãi chi phí nhập khẩu.

Haval H6 Hybrid ra mắt thị trường Việt vào đàu tháng 8.

Tuy nhiên, các thương hiệu sẽ gặp một số rào cản ở thời điểm này. Trước hết, sức tiêu thụ ô tô năm nay ở Việt Nam sụt giảm rõ rệt có thể khiến hiệu quả kinh doanh của các hãng xe không như mong đợi.

Đồng thời, nguồn gốc xuất xứ ô tô Trung Quốc vẫn còn khiến người tiêu dùng Việt đặt ra nhiều nghi ngờ bởi định kiến "xe Tàu". Trên thực tế, Chery đã bắt đầu bán ô tô tại Việt Nam từ năm 2009 thông qua việc hợp tác với Liên doanh ô tô Hòa Bình (VMC). Tuy nhiên khi đó hãng xe này đã không thuyết phục được người tiêu dùng Việt và buộc phải rút lui.

Do đó, nếu muốn thuyết phục khách hàng, các hãng xe cần đảm bảo có hệ thống đại lý cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng và nguồn linh kiện thay thế trên toàn quốc, phù hợp với nhu cầu của người Việt. Ngoài ra, tất cả thông tin về sản phẩm cần được thông báo cụ thể với người tiêu dùng nhằm tạo nên sự tin cậy.

(Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-doanh-va-tieu-dung/oto-trung-quoc-va-cuoc-canh-tranh-tai-thi-truong-viet/20231118095832668)