Những nguyên tắc vàng khi lái xe dưới trời mưa bão
Bật đèn pha cộng và đèn hazard, đi chậm hơn bình thường ít nhất 20%, không ham vượt hoặc chạy song song với xe khác,... là những nguyên tắc mà các tài xế cần nằm lòng khi lái xe lúc mưa to gió lớn.
Các chuyên gia luôn khuyên rằng, khi gặp thời tiết cực đoan như giông bão kèm mưa to, gió lớn, ngập nước,... chúng ta không nên ra khỏi nhà, đồng thời tìm một vị trí kín đáo, an toàn để đậu xe. Nhưng trên thực thế, nhiều tình huống giông bão đến bất chợt trên đường, buộc lái xe phải có những kỹ năng, kinh nghiệm nhất định để đối diện.
Trao đổi với VietNamNet, anh Nguyễn Thanh Tùng - giảng viên đào tạo lái xe tại Hà Nội cho rằng, lái xe trong điều kiện mưa to gió lớn là việc làm nguy hiểm, nhiều rủi ro nên không được khuyến khích.
Tuy vậy, trường hợp bất khả kháng gặp giông bão khi đang lưu thông trên đường, tài xế cần ghi nhớ những nguyên tắc sau để đảm bảo an toàn cho mình và phương tiện:
1. Duy trì tốc độ chậm hơn bình thường ít nhất 20%
Khi trời mưa, đường trơn, hệ thống phanh của ô tô sẽ làm việc kém hiệu quả, do vậy lái xe cần chạy chậm hơn bình thường để đảm bảo an toàn. Đi chậm và giữ khoảng cách an toàn còn giúp chúng ta dễ phát hiện và xử lý khi xe phía trước đột ngột giảm tốc độ hoặc bất ngờ gặp các chướng ngại vật trên đường.
Vị chuyên gia về lái xe an toàn này khuyên rằng, dưới trời mưa lớn, nên đi với tốc độ thấp hơn tối thiểu 20% (ít nhất 10-20 km/h) so với bình thường. Đồng thời hạn chế phanh gấp, chuyển làn đột ngột trên đường.
2. Luôn bật đèn khi trời mưa to
Khi trời mưa to, ánh sáng và tầm nhìn của các tài xế đều bị hạn chế. Để đảm bảo an toàn cho chính mình và các phương tiện cùng lưu thông, hãy bật đèn pha ở chế độ chiếu gần và đèn sương mù. Trong đó, nhiều còn bật đèn khẩn cấp (đèn hazard) khi trời mưa lớn.
Về nguyên tắc này, anh Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, khi lưu thông trên đường cao tốc thì rất nên bật đèn hazard để các phương tiện dễ dàng phát hiện và căn khoảng cách. Còn ở đường phố, khi đi chậm thì loại đèn này đôi khi lại khiến xe phía sau lúng túng, khó phán đoán hướng di chuyển, do đó cần cân nhắc khi sử dụng.
3. Không chạy song song với xe khác
Khi trời mưa to, mặt đường xuất hiện rất nhiều vũng nước lớn, có nhiều trường hợp ô tô bị một xe khác tạt nước lên kính khiến lái xe "mù tạm thời". Đây là trường hợp cực kỳ nguy hiểm mà các lái xe cần đề phòng khi đi dưới trời mưa.
Gió to còn có thể khiến xe của chúng ta bị liệng khi vượt hoặc đi song song với những xe lớn như xe khách hoặc container. Do vậy, chỉ vượt và cho vượt ở những nơi thoáng đãng, ít vũng nước để tránh bị tạt hoặc tạt nước cho xe khác.
4. Điều chỉnh điều hòa phù hợp, tắt các thiết bị giải trí
Trời mưa khiến độ ẩm cao, nhiệt độ trong xe và bên ngoài chênh lệch gây ra hiện tượng mờ kính lái khá khó chịu và mất an toàn. Để khắc phục, bạn cần điều chỉnh nhiệt độ của điều hòa ô tô bằng hoặc thấp hơn bên ngoài để không bị đọng hơi nước ở kính lái.
Ngoài ra, nên kết hợp điều chỉnh gió theo hướng lên kính và bật chế độ lấy gió ngoài để đạt hiệu quả tốt nhất. Nếu ô tô của bạn có chế độ sấy kính, sấy gương chiếu hậu, hãy sử dụng những tính năng hữu ích này.
Anh Tùng cũng đưa ra lời khuyên, nên tắt hết các thiết bị giải trí và âm nhạc để lái xe có thể tập trung quan sát cũng như nghe được tiếng động bên ngoài một cách rõ nét nhất khi trời mưa bão.
5. Lượng sức mình khi đi qua vùng ngập
Nếu phải đối mặt với vùng ngập nước, việc đầu tiên là phải xác định mức nước và tính toán khả năng vượt qua vùng ngập nước của xe. Thông thường, với những chiếc xe sedan có gầm thấp, bạn không nên đi qua các khu vực ngập quá 25cm hoặc mực nước vượt quá nửa bánh xe.
Lái xe có thể quan sát các ô tô có kích thước tương tự xe mình đã vượt qua khúc ngập an toàn để ước lượng, phán đoán và đi vào những vị trí mà xe trước vừa đi qua. Khi đi qua đoạn đường ngập, cần đi số thấp và tắt các phụ tải không cần thiết như điều hòa, hệ thống âm thanh trên xe.
Ngoài ra, cũng cần chú ý khi có xe chạy cùng chiều và ngược chiều vì có thể xảy ra hiện tượng tạo sóng, làm nước dâng cao hơn và tăng nguy cơ nước tràn vào đường nạp gió, vào lọc gió động cơ.
6. Dừng chân tránh giông bão để đảm bảo an toàn
Lưu ý cuối cùng mà anh Nguyễn Thanh Tùng đưa ra là không "cố đấm ăn xôi" khi gặp trời giông bão. Bởi, việc lái xe khi trời chuyển mưa to và gió mạnh sẽ rất nguy hiểm, không chỉ vì tầm nhìn hạn chế mà còn có thể khiến xe bị bạt gió dẫn tới mất lái. Mưa to kết hợp với gió lớn còn dễ làm cho cây bên đường bị gãy, đổ rất nguy hiểm. Thế nên, nếu gặp mưa bão quá to, bạn nên cân nhắc dừng lại để trú tránh, đề phòng bất trắc.
Lý tưởng nhất là dừng xe ở những trạm dừng nghỉ kiên cố, an toàn trên đường. Còn nếu không tìm được những trạm dừng nghỉ, nên chọn những nơi cao ráo, thoáng đãng để đỗ xe. Khi dừng đỗ trên đường, không nên dừng đỗ trú mưa bão dưới gốc cây to bởi các cành cây dễ gãy đổ vào xe, rất nguy hiểm. Cũng không nên đỗ ở quá gần vách núi, có thể bị sạt lở khi trời mưa to. Đồng thời cần đảm bảo gọn gàng và không làm ảnh hưởng đến xe khác.
(Nguồn: https://vietnamnet.vn/nhung-nguyen-tac-song-con-khi-lai-xe-gap-troi-mua-to-gio-lon-2319356.html)
tin liên quan
xe mới về
-
Toyota Zace GL 2001
129 Triệu
-
Toyota Camry 3.0V 2005
173 Triệu
-
Kia Sedona 3.3L GATH 2015
518 Triệu
-
Honda City RS 1.5 AT 2021
475 Triệu
-
BMW 3 Series 320i 2010
235 Triệu
-
Ford Fiesta Titanium 1.5 AT 2016
249 Triệu