trang chủ tin tức Thị trường ô tô Việt Nam: Xe nhập khẩu chiếm ưu thế so với xe lắp ráp

Thị trường ô tô Việt Nam: Xe nhập khẩu chiếm ưu thế so với xe lắp ráp

Tỷ trọng xe nhập khẩu trong cơ cấu doanh số bán hàng vẫn khá cao và có sự gia tăng mạnh từ 22,1% năm 2016 lên 30,8% vào năm 2023. Trong 9 tháng năm 2024, tình hình này tiếp tục diễn ra rõ ràng.

Dây chuyền lắp ráp ôtô tại nhà máy Honda Phúc Yên, Vĩnh Phúc. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
 
Dây chuyền lắp ráp ôtô tại nhà máy Honda Phúc Yên, Vĩnh Phúc. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Những năm gần đây, dưới sự nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy sản xuất ôtô trong nước, thị trường ôtô Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận với doanh số xe mới đều đạt trên 400.000 xe/năm.

Đây là bằng chứng cho thấy sự phát triển của ngành ôtô nội địa, góp phần cung cấp nền kinh tế và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.

Xe nhập khẩu tăng nhanh về tỷ trọng

Tuy nhiên, tỷ trọng xe nhập khẩu trong cơ cấu doanh số bán hàng vẫn khá cao và có sự gia tăng mạnh từ 22,1% năm 2016 lên 30,8% vào năm 2023. Trong 9 tháng năm 2024, tình hình này tiếp tục diễn ra rõ ràng.

Cụ thể, theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) vừa công bố, trong khi doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt 113.641 xe, giảm 7,5% thì xe nhập khẩu là 111.942 xe, tăng 28,5% so với cùng kì năm ngoái. Điều này cho thấy sự quan tâm của người tiêu dùng đối với các dòng xe nhập khẩu là khá lớn.

Nhiều mẫu xe mới nhập khẩu được mở bán tại Việt Nam đã đem lại sự đa dạng về lựa chọn cho người mua, không ít các mẫu xe nhập khẩu thường xuyên nằm trong số những mẫu xe bán chạy nhất như Mitsubishi Xpander, Ford Everest, Hyundai Stargazer, Toyota Yaris Cross...

Xu hướng tương tự cũng diễn ra với phân khúc xe cũ. Theo Ban nghiên cứu và phân tích thị trường thuộc Công ty cổ phần Nextgen Việt Nam (oto.com.vn), trong giai đoạn 2019-2022, tỷ lệ tin rao xe nhập khẩu đã qua sử dụng duy trì ổn định ở mức trung bình 37%, nhưng tỷ lệ này đã tăng mạnh lên khoảng 50% trong năm 2023 và 9 tháng năm 2024.

Tại Việt Nam, các mẫu xe nhập khẩu phổ biến hiện nay thường là các dòng xe có kích thước lớn (MPV, SUVs, bán tải). Mitsubishi Xpander hiện đang phân phối đồng thời cả bản nhập khẩu và bản lắp ráp trong nước, lượng xe cũ nhập khẩu được bán ra của Xpander trong quý 3/2024 đạt gần 4.000 tin rao, vượt trội so với lượng tin rao xe lắp ráp.

 

Trong khi đó, mặc dù một số mẫu SUV của Toyota Fortuner và Ford Ranger đã được chuyển sang lắp ráp trong nước lần lượt từ năm 2019 và 2020, nhưng lượng xe nhập khẩu của các mẫu xe này vẫn cho thấy độ “hot” khi có lượng tin rao tương đối lớn trên thị trường.

Hiện nay, các mẫu xe nhỏ như Kia Morning, Hyundai Grand i10 được lắp ráp hoàn toàn tại Việt Nam, nhưng một số phiên bản cũ nhập khẩu Hàn Quốc từ năm 2015 trở về trước vẫn được giao dịch sôi động với gần 7.000 tin rao bán trong quý 3/2024.

Nguồn gốc xuất xứ là tiêu chí tìm kiếm được quan tâm

Yếu tố về nguồn gốc xuất xứ của chiếc xe ôtô cũng đóng vai trò quan trọng. Nhiều người tiêu dùng Việt Nam tin rằng xe nhập khẩu từ các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản hay Hàn Quốc có chất lượng tốt hơn so với các phiên bản lắp ráp trong nước.

Hiện tại, Thái Lan và Indonesia là hai quốc gia có nền công nghiệp ôtô phát triển tại Đông Nam Á với lượng tiêu thụ năm 2023 lần lượt 775,7 nghìn xe và 1 triệu xe (Nguồn: Gaikindo.co.id, Toyota.co.th). Đây cũng là hai quốc gia Việt Nam nhập khẩu nhiều ôtô nhất trong những năm qua.

Đặc biệt, một bộ phận người mua xe có tâm lý “chuộng” xe nhập, đánh giá chất lượng xe nhập khẩu cao hơn chính phiên bản đó được lắp ráp trong nước.

Vì vậy, bên cạnh các thông tin về hãng xe, mẫu xe dự định mua là yếu tố quan trọng hàng đầu khi tìm kiếm thông tin, yếu tố về xuất xứ (nhập khẩu/lắp ráp) cũng thu hút người mua với hơn 372.000 lượt tìm kiếm trong quý 3/2024, cao hơn mức độ tìm kiếm về màu sắc xe.

Trong 10 mẫu xe cũ được tìm kiếm nhiều nhất quý 3/2024 chủ yếu là các mẫu sedan hạng B như Toyota Vios (~800.000 lượt tìm kiếm), Honda City (~432.000 lượt tìm kiếm), Hyundai Accent (~426.000 lượt tìm kiếm); và các mẫu xe 7 chỗ có kích thước lớn như Toyota Innova (~532.000 lượt), Toyota Fortuner (~518.000 lượt), Honda CR-V (~482.000 lượt). Đa số các mẫu xe này có cả bản nhập khẩu và bản lắp ráp đã qua sử dụng được rao bán trên thị trường.

 

Tâm lý xe nhập tốt hơn xe lắp ráp phần nào tạo nên khoảng cách giá ở các mẫu xe đã qua sử dụng. Tại Việt Nam, một số mẫu xe mới vẫn đang duy trì cả bản nhập khẩu và bản lắp ráp.

Tiêu biểu trong số đó là mẫu xe bán chạy số một Mitsubishi Xpander, vua doanh số bán tải Ford Ranger và mẫu xe SUV Toyota Fortuner. Các mẫu xe này đều áp dụng mức giá như nhau cho cả phiên bản nhập khẩu và xe lắp ráp.

Tuy nhiên, với phân khúc xe cũ, giá xe nhập có sự nhỉnh hơn so với xe lắp ráp trong nước. Các mẫu Kia Morning 2011 bản nhập khẩu Hàn Quốc với nhiều trang bị hiện đại, thậm chí bản cao nhất được trang bị 6 túi khí hiện được rao bán ở mức giá trung bình 188 triệu, cao hơn Kia Morning 2012 bản lắp ráp trong nước 35 triệu đồng.

Kể từ tháng 4/2023, các phiên bản Hyundai Creta được TC Motor chuyển sang lắp ráp tại nhà máy ở Ninh Bình. Giá bán lại của các mẫu Creta 2022 bản nhập khẩu thậm chí cao hơn bản Creta sản xuất năm 2023 khoảng 5 triệu đồng.

Sự chênh lệch giá được thể hiện rõ hơn ở 2 mẫu xe Ford Ranger 2021 và Toyota Fortuner 2021 khi giá xe cũ nhập khẩu cao hơn xe lắp ráp trong nước từ 15-22 triệu đồng.

Theo các chuyên gia trong ngành ôtô, tỷ lệ tăng tỉ trọng xe nhập khẩu không chỉ là công thức thô mà còn là cơ hội cho các nhà sản xuất, lắp ráp xe trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tình hình xe nhập khẩu gia tăng mạnh trong 9 tháng năm 2024 đã cho thấy sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu thị trường ôtô cho Việt Nam.

 

Đặc biệt tỷ lệ tăng tỉ trọng xe nhập khẩu không chỉ là công thức thô mà còn là cơ hội cho các nhà sản xuất, lắp ráp xe trong nước tập trung hơn vào chất lượng sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng./.

(Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/xe-nhap-khau-chiem-uu-the-so-voi-xe-lap-rap-o-thi-truong-viet-nam-post983369.vnp)